Cơ cấu nâng hạ cầu trục là bộ phận chịu lực tải chính của cầu trục, có tác dụng nâng hạ và di chuyển vật nặng theo ý muốn của người vận hành. Vậy cấu tạo của cơ cấu nâng hạ cầu trục như thế nào? Hãy cùng với SHM tìm hiểu chi tiết ở bài viết dưới đây!
1. Cấu tạo của cơ cấu nâng hạ cầu trục
Mỗi loại cầu trục sẽ có cơ cấu nâng hạ khác nhau. Phổ biến sẽ gồm 2 cơ cấu chính:
-
Xe cầu: được lắp ghép từ cụm khung dầm và xe con hoặc pa lăng.
-
Thiết bị nâng hạ gồm: xe con hoặc pa lăng.
Xe cầu - cụm thiết bị của dầm và xe con
1.1. Hệ thống khung dầm
Hệ thống khung dầm thép là một phần trong cơ cấu nâng hạ của cầu trục và nó được thiết kế với kết cấu chịu lực cực tốt. Hệ thống khung dầm bao gồm dầm chính cầu trục và dầm biên cầu trục, có khả năng chịu lực tốt.
Dầm chính cầu trục thường sẽ được cấu tạo từ dầm chữ I hoặc dầm hộp. Dầm chữ I thường sẽ sử dụng cho cầu trục dầm đơn có tải trọng dưới 10 tấn. Còn dầm hộp sẽ được sử dụng cho cầu trục dầm đôi có tải trọng lớn bởi vì dầm hộp có kết cấu chắc chắn và khả năng chịu lực tốt hơn.
Hệ thống khung dầm của cầu trục sẽ bao gồm dầm chính và 2 dầm biên. Mỗi một dầm biên thì sẽ có một đầu là bánh xe chuyển động để di chuyển và một đầu là giảm chấn cao su để giảm va chạm khi cầu trục di chuyển. Và sự chuyển động của bánh xe dầm biên chính là lực chính giúp cầu trục có thể di chuyển chạy dọc theo chiều dài của nhà xưởng. Đồng thời cũng chính là một trong những cấu tạo quan trọng nhất của cơ cấu nâng hạ cầu trục.
1.2. Thiết bị nâng hạ
Phần cấu tạo còn lại của cơ cấu nâng hạ cầu trục chính là thiết bị nâng hạ - dùng để nâng hạ vật nặng (hàng hóa) theo chiều lên xuống. Và hiện nay có hai loại thiết bị nâng hạ chủ yếu được sử dụng cho cầu trục đó là pa lăng (pa lăng xích điện hoặc pa lăng cáp điện) và xe con cầu trục. Tùy vào mức tải trọng, cũng như là dầm đôi hay dầm đơn thì sẽ lựa chọn thiết bị nâng hạ phù hợp. Cụ thể như sau:
Sử dụng thiết bị nâng hạ là pa lăng
-
Pa lăng xích điện: Thường chỉ được sử dụng trong cầu trục dầm đơn, có tải trọng dưới 3 tấn. Tốc độ nâng hạ chậm, phù hợp với các xưởng sản xuất có quy mô vừa và nhỏ.
-
Pa lăng cáp điện: Có thể sử dụng được cho cầu trục dầm đơn cần tốc độ nâng hạ nhanh và cầu trục dầm đôi. Và thường sử dụng pa lăng cáp điện từ các hãng nổi tiếng như STAHL Đức, SUNGDO HOIST Hàn Quốc,...So với xe con cầu trục thì pa lăng cáp điện có trọng lượng nhỏ hơn rất nhiều, dễ dàng lắp đặt, tính ứng dụng cao, phù hợp với mọi nhà xưởng sản xuất, công trình xây dựng, khai thác,...
Pa lăng sử dụng là thiết bị nâng hạ chính của cầu trục
Sử dụng thiết bị nâng hạ là xe con cầu trục
Xe con cầu trục thường được lắp đặt trên cầu trục dầm đôi có tải trọng lớn. Và trên một xe con thông thường sẽ có 2 cơ cấu nâng hạ: 1 cơ cấu nâng hạ tải trọng lớn và 1 cơ cấu nâng hạ có tải trọng nhỏ. Ví dụ: Trên cầu trục dầm đôi có sử dụng xe con có ký hiệu là 50T/5T thì có thể hiểu là với móc to cầu trục nâng được 50 tấn (móc to), còn với móc nhỏ cầu trục sẽ nâng được 5 tấn.
Xe con cầu trục - thiết bị chứa pa lăng hoặc tời (động cơ kéo tải chính)
Nhược điểm của thiết bị nâng hạ này là trọng lượng xe con rất là nặng có thể lên đến hàng trăm kg đến vài tấn. Chính vì vậy mà xe con chỉ được ứng dụng với những cầu trục dầm đôi dùng để nâng hạ những vật nặng có tải trọng lớn trong trong thủy điện, khai thác khoáng sản, vận chuyển gỗ và đóng tàu,...
2. Phân loại cơ cấu nâng hạ cầu trục
Việc phân loại cơ cấu nâng hạ cầu trục cũng sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tải trọng của cầu trục, chức năng cũng như các yêu cầu về công việc nâng hạ. Cũng vì lý do này mà người ta thường phân loại cơ cấu nâng hạ cầu trục theo những tiêu chí sau đây:
-
Theo thiết kế sẽ bao gồm: Cơ cấu nâng hạ cầu trục sử dụng gầu ngoạm, nam châm điện và móc tiêu chuẩn.
-
Theo mức độ công việc (công suất nâng hạ): Cầu trục loại nhẹ (mỗi giờ đóng, cắt trung bình khoảng 60 lần), cầu trục loại trung bình (mỗi giờ đóng, cắt khoảng 120 lần) và cầu trục loại nặng (mỗi giờ đóng, cắt khoảng 240 lần).
-
Theo công năng sử dụng: Cầu trục dùng trong những nhà xưởng, nhà máy không yêu cầu cao về độ chính xác. Cầu trục sử dụng trong các xưởng cơ khí hoặc lắp ráp đòi hỏi và yêu cầu về độ chính xác cao.
-
Theo tải trọng nâng hạ: Tùy theo vào tải trọng nâng hạ thì cơ cấu nâng hạ của cầu trục cũng sẽ khác nhau. Thường sẽ phân cơ cấu nâng hạ loại nhẹ với tải trọng dưới 10 tấn, loại trung bình với tải trọng 10 đến 15 tấn và loại nặng với tải trọng trên 15 tấn.
Dựa trên diện tích thực tế cũng như nhu cầu sử dụng thực tế mà chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn cơ cấu nâng hạ cầu trục phù hợp. Việc chọn được thiết bị phù hợp vừa giúp cho doanh nghiệp có sự hiệu quả cao trong công việc cũng như tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí cho nguồn lực. Quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp phải tìm được đơn vị thi công cầu trục uy tín, cam kết về chất lượng của cầu trục.
Như vậy, ở bài viết này SHM đã giới thiệu chi tiết từ A - Z về cơ cấu nâng hạ cầu trục. Mong rằng với những thông tin ở trên sẽ giúp bạn dễ dàng phân loại và lựa chọn được loại cơ cấu nâng hạ phù hợp với yêu cầu công việc của mình. Nếu như bạn có bất kỳ các thắc mắc nào cần giải đáp ngay lập tức thì hãy liên hệ ngay với SHM.